Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Tận Hiến Cho Mẹ VII Tận Hiến Cho Mẹ IX

Tận Hiến Được Gì?

103. Tận hiến cho Trái Tim Đức Mẹ được những ích lợi gì?

Ta đã biết: ai làm việc gì cũng nhằm mục đích. Một khi đã đạt được mục đích ấy là đã nắm được ích lợi rồi. Mà như ta vừa thấy trên: việc tận hiến cho Trái Tim Đức Mẹ nhằm những mục đích thật cao cả, thật say lòng (số 85-102). Nhưng ngoài những mục đích ấy, thánh Môngpho còn đề ra những ích lợi sau: làm sáng danh Chúa hơn, được Mẹ ân cần săn sóc hơn, mưu ích cho tha nhân hơn. Từ sự mưu ích cho tha nhân này, ta lại rút ra một hệ kết là đem thế giới trở về với Chúa.

I. Làm sáng danh Chúa hơn

104. Tận hiến cho Trái Tim Đức Mẹ làm sáng danh Chúa hơn ở điểm nào?

Mục đích của việc tận hiến cho Trái Tim Đức Mẹ là để tùng phục, yêu mến và thuộc trọn về Chúa hơn (số 86-89). Chính sự tùng phục, yêu mến và thuộc trọn về Chúa như vậy là làm vinh danh Chúa hơn. Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy: "Xin vâng Ý Cha dưới đất cũng như trên trời". Ở trên trời, các thánh làm vinh danh Chúa vì hoàn toàn tùng phục Chúa, thuộc trọn về Chúa. Nếu ở dưới đất, ta tùng phục, yêu mến và thuộc trọn về Chúa thì cũng làm sáng danh Chúa như vậy. Vì trước hết, ta hợp nhất, tan hòa vào Trái Tim Mẹ là Trái Tim suốt cuộc sống ở trần gian đã chỉ tìm vinh danh Chúa hơn hết. Đối tượng duy nhất của tình yêu bùng cháy trong Trái Tim Mẹ không khi ngừng chính là vinh danh Chúa hơn hết. Thứ đến là vì, theo lời Chúa Giêsu phán với một linh hồnưu tuyển, Chúa khát khao loài người ở trần gian yêu mến Chúa, làm vinh danh Chúa, bởi lẽ tình yêu của loài người ở trần gian là tình yêu tự do . Thật vậy, một hành vi tự do bao giờ cũng có giá trị hơn một hành vi bắt buộc. Tự do dùng mọi khả năng để phục vụ Chúa, thì bao giờ cũng làm vinh danh Chúa hơn là phải cưỡng bách. Mà ta đã tự do tận hiến cho Mẹ để cùng Mẹ yêu mến Chúa, tất nhiên ta làm sáng danh Chúa hơn. Mặt khác, việc tận hiến cho Trái Tim Mẹ giúp ta phụng sự Chúa cách hoàn hảo, chỉ cho ta theo đường lối Chúa Ba Ngôi và học đức khiêm nhượng của Chúa Giêsu: đó là những việc thật sự làm sáng danh Chúa hơn.

105. Xin giải thích rõ hơn điểm sau cùng này.

Việc tận hiến cho Trái Tim Đức Mẹ giúp cho ta phụng sự Chúa cách hoàn hảo, là vì nhờ Mẹ mà phụng sự Chúa. Ta đã biết Mẹ Maria là thụ tạo đẹp lòng Chúa hơn hết mọi bậc thần thánh, vì Mẹ cao trọng hơn hết mọi thụ tạo mà đã hạ mình xuống dưới cả mọi thụ tạo. Bởi thế, việc Mẹ phụng sự Chúa có giá trị hơn hết mọi bậc thần thánh, mọi thụ tạo phụng sự Chúa. Nay ta nhờ Mẹ, nhờ Trái Tim thật khiêm nhượng thẳm sâu của Mẹ, hay nói đúng hơn, ta tan hòa trong Trái Tim Mẹ mà phụng sự Chúa, tất nhiên ta làm sáng danh Chúa hơn. Vả nữa, Mẹ hằng liên lỉ phụng sự Chúa trót cuộc đời Mẹ từ vừa phôi dựng cho tới ngày về trời, và cho mãi tới vô cùng tận. Nên nếu ta tận hiến cho Mẹ thì cả những lúc ta chẳng may quên lãng, vô tình lơ là, Mẹ cũng vẫn làm sáng danh Chúa thay cho ta, miễn là ta không rút lại lời tuyên hứa tận hiến cho Mẹ.

Tận hiến cho Mẹ , ta lại theo đường lối của Chúa Ba Ngôi. Theo thần học, trong các việc hướng ngoại của Chúa Ba Ngôi, việc Ngôi Hai xuống thế cứu chuộc loài người qua Mẹ Maria làm sáng danh Chúa hơn cả. Do đó, nếu Mẹ là con đường độc đạo Chúa Ba Ngôi dùng để đến với ta, thì việc ta nhờ Mẹ như con đường độc đạo đến với Chúa, cũng làm sáng danh Chúa như vậy.

Tận hiến cho Trái Tim Đức Mẹ, ta còn làm sáng danh Chúa hơn, vì Thánh Ý Chúa là muốn ta noi gương Chúa Giêsu trong mọisự. Ở thế gian hơn ba mươi năm, Chúa Giêsu đã dùng ba mươi năm ở liền với Mẹ trong âm thầm lặng lẽ của cuộc đời ẩn dật, để phụng sự Chúa. Trong ba năm rao giảng Tin Mừng cứu rỗi, Chúa cũng vẫn có Mẹ bên cạnh, nhất là ở tiệc cưới Cana (số 22); và trên núi Canvê (số 23). Như thế, chính Chúa Giêsu là Thiên Chúa cũng đã hạ mình nhờ Mẹ khi thi hành việc cứu chuộc để làm sáng danh Chúa. Cho nên khi tận hiến cho Trái Tim Mẹ, ta cũng noi gương khiêm nhượng của Chúa Giêsu để cùng với Mẹ, thấm nhiễm tâm tình Mẹ, hòa hợp với tư tưởng Mẹ, hợp nhất với ý chí Mẹ mà làm sáng danh Chúa. Do đó, tận hiến cho Trái Tim Mẹ là làm sáng danh Chúa hơn.

II. Được Mẹ ân cần săn sóc

106. Việc Mẹ ân cần săn sóc ta có nền tảng nào không ?

Nền tảng của việc Mẹ ân cần săn sóc ta chính là tình xót thương vô hạn lượng của Mẹ. Thánh Bênađô viết: "Không ai có thể đo lường được chiều dài, chiều rộng, chiều cao và chiều sâu tình thương của Mẹ. Chiều dài ấy cứu giúp tất cả những ai kêu cầu Mẹ, cho đến tận thế; chiều rộng thì trải ra đến tận cùng vũ trụ. Chiều cao vươn tới tận trời để tu sửa lại những thiệt hại ở đó, và chiều sâu thì xuống tới tận các vực thẳm để ban tự do cho những ai còn ngồi trong bóng tối và bóng chết. Nhờ Mẹ mà thiên đàng tràn đầy các thánh, hỏa ngục trống không, những điêu tàn của Giêrusalem trên trời được tái thiết, và sự sống thần linh được ban cho những kẻ khốn cùng đã bị tội lỗi tàn phá". Vì tình thương của Mẹ bao la, nên Mẹ ân cần lo cho hết mọi người. Bởi thế, khi ta tình nguyện tận hiến cho Trái Tim Mẹ để làm tư sản, làm sở hữu của Mẹ, thì Mẹ càng ân cần săn sóc ta hơn, như của riêng quí báu của Mẹ. Thật vậy, linh hồn tận hiến được Mẹ tận tình săn sóc, giúp cho kết hợp khăng khít với Chúa hơn, ban cho linh hồn được tự do hơn, và đảm bảo cho được ơn bền vững đến cùng.

107. Mẹ săn sóc ta như thế nào?

Một khi ta đã tự nguyện trở nên tư hữu quí báu của Mẹ rồi, Mẹ liền đặc biệt lo liệu cho ta mọi sự, luôn ngự trị trong ta, gieo sự sống của Mẹ vào tâm hồn ta, cho đến nỗi không phải ta sống, mà chính Mẹ sống trong ta. Sự sống của Mẹ sẽ đem vào ta đức thanh tịnh tâm hồn và thân xác, mọi tư tưởng tinh sạch, mọi ý muốn đầy hoàn thiện. Mẹ sẽ dùng đức tin ngời sáng của Mẹ (mà Chúa còn cho Mẹ giữ lại) soi sáng trí khôn ta, đức khiêm nhượng thẳm sâu của Mẹ in vào lòng ta, lửa tình yêu đức mến của Mẹ thiêu đốt trái tim ta. Mẹ sẽ lấy đức trinh khiết của Mẹ che phủ và rửa sạch mọi tì ố nhơ nhớp trong ta, lấy quyền năng Mẹ Thiên Chúa mà trau dồi và nuôi dưỡng cho ta nên cao sang mỹ lệ trước Nhan Thánh Chúa. Mẹ sẽ che chở giữ gìn ta khỏi mắc vào những cồn sạn của biển đời, những phong ba bão táp của thế gian, và giúp ta chống đánh kẻ thù thiêng liêng của ta đến toàn thắng. Tắt rằng Mẹ sẽ nâng hứng ta như trứng như hoa, thiết tha yêu thương như ưu vật của Mẹ.

108. Mẹ giúp ta kết hợp với Chúa ra sao?

Kết hợp liên lỉ với Chúa ở đời này, rồi kết hợp vô cùng khăng khít với Chúa ở đời sau, đó là giấc mộng vàng của những ai thiết tha yêu mến Chúa. Khi tận hiến cho Mẹ, Mẹ sẽ thực hiện cho ta giấc mộng vàng này. Thật vậy, nhờ tận hiến, ta có thể lập được nhiều công trạng rất quí giá trong một thời gian ngắn. Nhờ Mẹ phù trì, ta sẽ đi một con đường tắt để nên thánh. Tận hiến lại là đường dễ đi, ít khi gặp chướng ngại to tát; mà nếu có chướng ngại, cánh tay dịu hiền Mẹ sẽ dắt ta lướt qua một cách dễ dàng. Tận hiến cho Trái Tim Mẹ cũng là con đường hoàn hảo, chắc chắn, vì đường đó được trang bị bằng công trạng nhân đức của chính Chúa Giêsu và Mẹ. Ai đi trên đường này không sợ bị lạc hướng, không sợ lỡ bước, không sợ sa phải cạm bẫy kẻ thù là ma quỉ, thế gian, xác thịt. Ngoài ra, tận hiến cho Mẹ là cách tuyên thệ lại lời thề nguyền phép rửa tội, một lời thề nguyền từ bỏ ma quỉ, mọi sang trọng và dối trá của nó. Ma quỉ là kẻ thù số một của Mẹ, nhưng khi thấy bóng mộtngười con tận hiến thực tình của Mẹ, chứ không cần phải thấy bóng Mẹ, cũng phải hoảng sợ trốn chạy. Mẹ là cơ binh dàn trận (Dc 6:3), như Hội Thánh từng ca tụng. Người con tận hiến cho Mẹ là một tinh binh trong cơ binh ấy, cho nên ma quỉ khiếp sợ cũng không lạ gì. Tất cả những tính cách và khí thế trên giúp ta kết hợp với Chúa cách chắc chắn và mau chóng.

109. Mẹ ban cho linh hồn được tự do như thế nào?

Vì vướng mắc nguyên tội và vô phúc lại phạm nhiều tội riêng, nên ta thật là nô lệ của tội lỗi (Gn 8:34). Vòng nô lệ đó trói buộc ta, gây cho ta nhiều nỗi lo lắng, sợ sệt, bối rối vây quanh, không cho ta có lối thoát. Nhưng khi ta đã tận hiến cho Trái Tim Mẹ, Mẹ sẽ giải thoát ta khỏi tội lỗi cầm buộc, ban cho tâm hồn ta một nguồn an bình tự do, làm nẩy nở niềm tin cậy Cha trên trời. Chính niềm tin cậy thơ thảo này trả lại cho ta sự tự do của các con Thiên Chúa mà tội lỗi gây thất vọng đã cướp mất của ta. Trong Trái Tim Mẹ, sự tự do này sẽ luôn triển nở đến mức tuyệt vời, vì Trái Tim Mẹ là nơi ta nương ẩn, là đường đưa ta tới chính sự Tự Do tuyệt đối vô cùng là Thiên Chúa.

110. Mẹ đảm bảo ơn bền vững của ta như thế nào?

Ơn bền vững nói đây là ơn bền vững đến cùng, là một ơn hệ tại sự trung thành với ân sủng Chúa ban cho đến hơi thở sau hết đời ta, một ơn vô cùng trọng đại mà, theo thánh Augustinô, ta phải luôn cầu xin, Chúa mới ban cho. Thánh Anphong đặt ra câu hỏi: liệu ta có luôn luôn cầu xin được không, vì ta quá yếu đuối, quá hững hờ quên lãng? Rồi ngài trả lời: Thật rất đáng hoài nghi, nhưng cuối cùng thì ngài hoan hỉ nói: nếu ta cậy nhờ Mẹ Maria thì thế nào ta cũng luôn luôn cầu xin được ơn bền vững đến cùng này. Tận hiến cho Trái Tim Mẹ, không những ta cậy nhờ Mẹ, mà còn tuyệt đối tin tưởng ở Mẹ, mặc Mẹ lo liệu mọi sự cho ta, trong đó tất nhiên gồm cả ơn bền vững đến cùng. Đó chính là ơn rất trọng đại Mẹ đảm bảo cho ta. Không lẽ nào ta tận hiến cho Mẹ cả cuộc đờinày, cả cuộc đời sau mà Mẹ lại chỉ đảm bảo cho ta có cuộc đời này, còn cuộc đời sau thì không. Không lẽ nào Mẹ chỉ lo cho ta cái chóng qua, mà cái tồn tại đời đời là chính định mệnh của ta (số 81), thì Mẹ lại không đảm bảo. Mẹ rất trung thành với lời Mẹ hứa, và ta cũng không thể nào sợ Mẹ đánh lừa ta. Bởi thế, tận hiến cho Trái Tim Mẹ chắc chắn thế nào ta cũng được ơn bền vững đến cùng.